Tham luận
Tấm lòng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên
trường Chuyên biệt Tương Lai vì trẻ em khuyết tật.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa quí thầy cô giáo và toàn thể hội nghị!
Với nhận thức: Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người cộng sản vĩ đại, nhưng đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường, một con người dung dị ai cũng có thể học theo, để trở thành người công dân tốt trong xã hội. Từ di sản lớn lao về tấm gương đạo đức của Bác, với đặc điểm của ngành, của nghề, tập thể chúng tôi tâm huyết với tấm lòng của Bác, đó là tấm gương của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì mọi người. Với tình yêu thương bao la, Bác đã dành tình yêu thương cho tất cả, chia sẻ với mỗi người những nỗi đau. Người nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.
Cảm xúc từ tấm lòng nhân ái của Bác, là một trường chuyên biệt mà đối tượng học sinh là 156 trẻ khuyết tật câm điếc và chậm phát triển trí tuệ, trong 4 năm qua, cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã gắn liền với phong trào và các cuộc vận động: “Hai không” của ngành; “Phong trào xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” và đặc biệt cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Tất cả là kim chỉ nam để nhà trường làm tốt chức năng “Dạy chữ, giáo dục kỹ năng và dạy nghề cho học sinh khuyết tật”, đó là nhiệm vụ chính trị được nhà trường tổ chức, thực hiện đồng bộ, cân đối ngõ hầu mang lại hiệu quả giáo dục toàn diện cho trẻ khuyết tật, mà cụ thể là:
Bằng kinh nghiệm nhiều năm, nhà trường đã xây dựng chương trình giảng dạy trên cơ sở chương trình khung của Viện Khoa học Giáo dục. Tổ chức dạy theo nhu cầu của trẻ, phù hợp với đối tượng học sinh các loại tật. Đối với các em tật nặng, nhà trường giáo dục kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội để hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra nhà trường thực hiện chương trình Can thiệp sớm. Chương trình Can thiệp sớm của trường đã trở thành một trong những chương trình hàng đầu của Dự án và được báo cáo điển hình tại khu vực miền Trung và toàn quốc. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng năng khiếu được nhà trường chú trọng. Học sinh năng khiếu vẽ đã đạt nhiều giải thành phố và cấp quốc gia. Đặc biệt tranh của em Nguyễn Mạnh Cường đạt giải đặc biệt tại kỳ thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi châu Á và được in trên bưu thiếp tại Nhật Bản. Tại các kỳ hội thao dành cho học sinh khuyết tật, đoàn học sinh của trường tham gia Hội thao Học sinh khuyết tật chậm phát triển khu vực Bắc miền Trung tại TP. Huế đạt được 01 Huy chương vàng, 02 Huy chương đồng và đứng Ba toàn đoàn. Tham gia Hội thao Học sinh khuyết tật toàn quốc lần III tại Đắc Lắc, kết quả đạt được 02 Bộ Huy chương vàng; 04 Bộ Huy chương bạc và 6 Bộ Huy chương đồng. Đặc biệt đoàn học sinh khuyết tật TP. Đà Nẵng được xếp thứ Hai toàn đoàn trên tổng số 19 đơn vị tỉnh, thành tham gia.
Để đạt được những thành quả ấy, một trong những yếu tố quyết định là chất lượng công tác chăm sóc và dạy trẻ khuyết tật của các thầy cô giáo. Chúng ta may mắn được sinh ra với một cơ thể lành lặn, nhưng học sinh của trường Tương lai thì không có được may mắn đó. Các em từ khi sinh ra đã không thể nghe được tiếng hát mẹ ru, đã không thể bập bẹ gọi ba, gọi mẹ. Các em bị khiếm khuyết về cấu trúc, suy giảm chức năng cơ thể dẫn đến gặp khó khăn nhất định trong sinh hoạt cá nhân, tập thể và học tập; Song nhu cầu như ăn, ngủ, vui chơi, học tập... của các em cũng giống như bao trẻ bình thường khác. Thật đáng tiếc nhiều người trong cộng đồng thiếu hiểu biết về vấn đề khuyết tật nên thiếu thông cảm, hỗ trợ, bạn bè chế giễu, thêm vào đó trẻ khuyết tật hay có hành vi lạ nên luôn bị trêu ghẹo, bị hành hung. Chính sự thiếu hiểu biết này vô tình chặn đứng sự phát triển cần có của trẻ khuyết tật. Một lớp học hòa nhập chỉ có một, hai em khuyết tật cũng đã gian nan, thì chúng ta cũng hình dung được cái khó khăn bội phần của một lớp chuyên biệt trên 10 em. Không chỉ khó khăn trong công việc giảng dạy, mà việc quản lý, chăm sóc các em khuyết tật khi ăn, ngủ, vệ sinh, sinh hoạt ngoài giờ học cũng rất vất vả. Nhiều em khi nhập trường không hề biết đòi hỏi, không biết ấm lạnh, đói, no. Có em thì thản nhiên với tháng ngày, vô tư với những gì đang có, không biết nguy hiểm mà chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của thầy cô. Vì thế, chúng tôi vừa là giáo viên, là bảo mẫu, là y tá, vừa là cha mẹ và thậm chí là bạn bè của các em. Ngoài tính khí khác thường, nhiều em còn có những biểu hiện rất tiêu cực: Ném dụng cụ học tập, xé áo, đập đầu vào tường, cắn bạn, hành hung người khác... Có cô giáo trẻ mới ra trường ngày đầu tiếp xúc với học sinh đã bật khóc nức nở, khi giờ ăn bị h/s rối loạn hành vi ném cả tô cơm vào mặt.Có những thầy giáo chưa lập gia đình nhưng trong giờ dạy phải dừng lại dọn vệ sinh, vì h/s không tự chủ được.Từng giờ, từng ngày...từ bàn tay chăm sóc, từ tấm lòng yêu thương, các thầy cô đã uốn nắn và dạy cho các em từng li, từng tí, từ biết tự đi vệ sinh, tự chăm sóc cơ thể, đến cách hành xử với người xung quanh và dần dần biết nói, biết đọc, viết, làm toán vv... Công việc thầm lặng ấy đã trở thành một phần cuộc sống của các cô, nó gắn kết các cô với học sinh, với những đứa con nhỏ. Có thể niềm vui của giáo viên trường khác là một danh hiệu học sinh giỏi toàn quốc, là giải nhất môn toán quốc gia, hay là chiếc vòng nguyệt quế của đường lên đỉnh Olimpia .... Nhưng đối với chúng tôi, niềm hạnh phúc rất bình dị, đó là khi học trò biết chào cô khi đến lớp, biết đọc chưa tròn âm 1 bài thơ ngắn, biết ngân nga một câu hát. Niềm hạnh phúc của chúng tôi là ánh mắt tươi vui của các em khi được đến trường trong vòng tay bè bạn. Chúng tôi biết rằng: “Dạy trẻ khuyết tật, song song với một tấm lòng là sự kiên trì và nhẫn nại”. Khi ngồi lại cùng nhau, tập thể chúng tôi, mỗi người đều cùng chung một hoài bão là làm sao cho các em có thể sớm hòa nhập với cộng đồng, có thể đủ hành trang để bước vào đời. Trong công việc hàng ngày, theo năm tháng, tình cảm cô trò ngày càng sâu đậm. Nhiều cô đã dành phần lương ít ỏi của mình để mua quà, mua kẹo thưởng khi các em biết nghe lời. Có cô vui đến không ngủ được, khi học trò của mình làm tốt bài thi học kỳ, được lên lớp và thấy các em tiến bộ hàng ngày. Có hôm các cô phải chia nhau lặn lội trong đêm mưa gió để đi tìm một học sinh vì mải vui đến nhà bạn chơi quên giờ về … Nhìn cô giáo ướt sũng đi tìm mình, em vụt nói: “ Con- thương- cô”, làm cho cô giáo quên hết mỏi mệt vì mừng em nói rõ quá. Có những cô thương học trò ở xa, bố mẹ không đưa đón được đã nhận về nhà nuôi dưỡng, để hàng ngày chở các em đến trường như cô Bốn, cô Mai, cô Huệ... Đa số h/s của trường là con gia đình nghèo, có em vừa khuyết tật vừa mồ côi, hay cha mẹ ly dị vì muốn chối bỏ đứa con tật nguyền. Những em này có nguy cơ phải bỏ học dang dở. Thế là chúng tôi lại kiên trì, nhẫn nại đi thuyết phục phụ huynh và vận động các tổ chức, cá nhân từ thiện trong và ngoài nước hỗ trợ học bổng cho các em được tiếp tục đến trường. Cho đến nay chúng tôi đã xây dựng được quĩ học bổng cho 50/153 h/s. Con số đó đã nói lên được phần nào tấm lòng và nhiệt huyết của tập thể cán bộ, GV, NV trường Tương lai vì h/s khuyết tật !
Kính thưa quý vị đại biểu!
Chúng tôi vừa trình bày không phải để đề cao vai trò của nhà giáo và nhất là những người làm công tác nuôi dạy trẻ khuyết tật. Chúng tôi chỉ mong muốn mọi người hiểu và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, chia sẻ những khó khăn của Trường chuyên biệt. Chúng tôi hy vọng rằng: Chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật không còn là việc của riêng ai mà là của toàn xã hội, của tất cả mọi người. Để một ngày, lời mong ước gửi gắm của Bác Hồ trở thành hiện thực “ Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”.
Còn đội ngũ chúng tôi, cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không chỉ là một năm, hai năm hoặc bốn năm, mà sẽ là mãi mãi. Chúng tôi chỉ mới học tập được một phần nhỏ trong di sản vĩ đại về tấm gương đạo đức của Người. Bài học đó là tấm gương của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì mọi người. Tất cả đã giúp chúng tôi có niềm tin, có một tấm lòng và tâm huyết vì trẻ em khuyết tật.
Cuối cùng, kính chúc quý vị đại biểu, các đồng nghiệp sức khỏe. Xin cám ơn quí vị đã lắng nghe./.